Trong quá trình đi xe ô tô, có một số bộ phận gặp phải ngoại lực tác động nhiều hoặc do nhiệt độ bên trong xe, dễ gây hư hỏng nếu đi trong thời gian dài. Vì vậy hãy chú ý để kiểm tra và thay thế ngay nhé!
1. Giảm chấn trước
Trong quá trình phanh xe, đặc biệt là phanh gấp, hệ thống treo trước phải chịu áp lực tăng lên gấp nhiều lần do trọng lượng của xe dồn lên. Vì vậy, giảm chấn trước thường hay hỏng hơn so với giảm chấn sau. Khi chỉ một trong hai giảm chấn trước bị hỏng (thường là bị chảy dầu), người lái cảm nhận xe không thể hấp thụ được xóc khi qua các gờ giảm tốc, đường xấu. Tốc độ càng cao, hiện tượng xóc nảy một bên càng rõ, có thể làm lệch đầu xe.
Giảm chấn trước ô tô
Khi một trong hai giảm xóc bị hỏng giải pháp tốt nhất là thay mới cả hai bên. Nếu chỉ thay một bên, quá trình hấp thụ xóc sẽ không đều nhau giữa hai bánh xe, khiến xe mất ổn định khi đi trên đường xấu.
2. Dây cu roa
Dây cua-roa làm nhiệm vụ dẫn động hàng loạt bộ phận khác như máy phát, lốc điều hòa hay bơm trợ lực lái. Trên một số mẫu xe sang hay xe thể thao, dây cua-roa còn dẫn động hệ thống bơm nâng gầm.
Dây cu roa ô tô
Người sử dụng xe có thể nhận biết sự xuống cấp của dây cua-roa bằng mắt thường khi phát hiện các vết nứt vỡ. Dây cua-roa bị thoái hóa chai cứng thường phát ra tiếng kêu rít, đặc biệt là khi mới nổ máy. Tuy nhiên, yếu tố gây hỏng hóc bất ngờ mà người dùng xe cần cảnh giác là bị chuột cắn.
Nếu không có những sự cố hay tác động xấu bất thường, dây cua-roa cần được thay thế định kỳ sau khoảng 80.000 -100.000km; nên kiểm tra thường xuyên dây cua-roa xem có bị nứt, vỡ để xử lý kịp thời.
3. Bơm cao áp hệ thống phun xăng trực tiếp
Thông thường, bơm cao áp có độ bền rất cao, nhưng yếu tố nhiên liệu khiến cho hệ thống này bị hỏng. Bơm cao áp được làm mát và bôi trơn bằng chính nhiên liệu, nên nhiên liệu bị nhiễm bẩn hoặc khởi động xe trong tình trạng cạn kiệt nhiên liệu sẽ làm bơm bị xước, gây tình trạng hở và giảm áp suất bơm.
Bơm cao áp bị hỏng hoặc thiếu áp trầm trọng có thể không khởi động được động cơ, mặc dù điện vẫn khỏe. Trường hợp nhẹ có thể khiến lượng nhiên liệu cung cấp không đủ, gây tình trạng rung giật và yếu.
4. Đường ống cung cấp nhiên liệu
Đường ống dẫn nhiên liệu từ bình chứa vào đến họng phun được phân chia thành nhiều đoạn với chất liệu khác nhau; phần chạy dọc gầm xe làm bằng kim loại, đoạn nằm trong khoang máy làm bằng chất liệu nhựa tổng hợp và đây chính là đoạn nhạy cảm.
Trong quá trình sử dụng, đoạn ống dẫn bằng nhựa này có thể bị chuột cắn, các điểm nối có thể bị co ngót và hở, gây rò rỉ, thậm chí là hở lớn.
Ngay khi phát hiện thấy mùi xăng bất thường (một số dòng xe cao cấp có thể xuất hiện đèn báo lỗi động cơ khi đường ống bị thủng lớn) cần tiến hành kiểm tra. Rò rỉ nhiên liệu là một trong những điều kiện gây nguy cơ cháy xe khi gặp tia lửa điện.
5. Vòi phun nhiên liệu
Vòi phun là chi tiết được chế tạo với độ chính xác rất cao, bao gồm các lỗ nhỏ li ti (trong hệ thống phun nhiên liệu đa điểm) để nhiên liệu được phun ra dạng bụi như sương mù và dễ cháy. Cặn bẩn bám ở vòi phun lâu ngày sẽ làm giảm tiết diện của vòi phun, hoặc làm tắc một trong số các lỗ phun, gây hiện tượng nghèo xăng.
Kim phun nhiên liệu
Khi một trong số các vòi phun bị tắc, nhiên liệu sẽ không được cung cấp cho xy-lanh đó, gây hiện tượng bỏ máy, rung giật và xe yếu. Ngoài ra, nếu chỉ một trong số các tia của một vòi bị tắc sẽ gây hiện tượng nghèo xăng, cũng khiến xe bị rung và yếu. Nhiều vòi phun bị tắc có thể không khởi động được động cơ mặc dù hệ thống điện và đánh lửa vẫn hoạt động bình thường.
6. Các vòng bi
Thông thường, các loại vòng bi có thể có tuổi thọ lâu. Tuy nhiên, có trường hợp vòng bi bị hỏng rất sớm mà nguyên nhân có thể là do hở phớt chắn mỡ, khiến mỡ bôi trơn bị hao hụt hoặc bị nước ngấm vào trong. Việc rửa động cơ bằng nước tùy tiện và không đúng quy trình cũng có thể khiến nước chui vào bên trong, làm chết vòng bi.
Các vòng bi khi đã bị rơ lắc và kêu thì chẳng có giải pháp nào khác ngoài việc thay thế kịp thời. Vòng bi khô và kêu không chỉ gây ồn còn sinh nhiệt rất mạnh, ảnh hưởng đến quá trình làm mát của động cơ.
7. Gioăng kính cửa sổ
Nếu xe được bảo quản tốt các gioăng kính lái và kính cửa sổ bằng cao su có thể rất bền, sau 7 - 10 năm vẫn rất tốt.
Nhưng khi đi nhiều dưới thời tiết mưa, nắng các chi tiết cao su sẽ nhanh chai cứng, nứt gẫy, gây ra tiếng kêu do kính cửa không còn được khít chặt; đồng thời zoăng hỏng cũng giảm khả năng chống ồn, làm cho ca-bin xe càng trở nên ồn hơn.
Khi kính cửa sổ đã bị bụi bám nhiều, cần hạn chế lên/xuống kính. Ngay cả khi zoăng cửa sổ còn mới, bụi bẩn bám nhiều sẽ chui vào bên trong làm kẹt, zoăng cao su nhanh bị thoái hóa.